Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

TRÁI TIM ME ̣TOÀN THẮNG

Chương 10 - Giáo Hoàng và Chúa Kitô Tái Giáng

Nếu quả thật CS là tiền hô của qủi vương, thì qủi vương phải có mặt trên thế gian này rồi? Nhất là, khi CS làm hoàn tất sứ mệnh tiền hô của mình và biến đi, qua việc Nước Nga trở lại, qủi vương sẽ dần dần lộ diện? Như thế, thời gian sau khi nước Nga trở lại, theo như Đức Mẹ nói, là thời gian thế giới sẽ được hưởng hòa bình, sẽ là thời gian rùng rợn hơn bao giờ hết, vì thời gian này là thời gian của qủi vương.

Thật ra qủi vương, tức Satan, sau khi “bị hất nhào xuống đất” (KH 12:13)đã có mặt trên thế gian này từ khi loài người được tạo dựng để “săn đuổi người đàn bà sắp sinh con trai” (KH 12:13). Và hắn đã cám dỗ được người đàn bà tiên khởi của loài người là Evà sa ngã phạm tội mất lòng Chúa. Nhưng hắn đã giết lầm người.

Hậu quả bởi đấy mà ra là hắn sẽ bị giòng di người đàn bà đạp nát đầu của hắn. Đúng như thế, Chúa Giêsu, “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” (Gn 1:14), về nhân tính, là giòng di người nữ, “đã tỏ mình ra để phá hủy công việc của ma qủi” (1Gn 3:8).

Phải, Satan dù tinh khôn mấy đi nữa cũng không thể ngờ được rằng chính người con trai mà hắn rình chực để nuốt đi lúc em được người Đàn Bà sinh ra lại là Đấng đã đạp nát đầu của hắn, khi Người bị treo trên câp thập giá. Lúc còn là Rồng ở trên trời, Satan đã chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa, đến nỗi “đã mất chỗ của mình trên trời” (KH 12:8). Khi trở thành con cựu xà ở dưới đất, Satan đã cố gắng ngăn ngừa việc Thiên Chúa nhập thể và cứu thế, không ngờ lại bị “đạp nát đầu” (STK 3:15).

Lúc Chúa Giêsu tuyên bố “hoàn Tất” (Gn 19:30) trước khi Người tắt thở trên thập giá chính lúc quyền lực của Satan, của sự chết hoàn toàn bị hủy diệt. Bấy giờ, Satan và ngụy thần của hắn bị dội xuống tận đáy hỏa ngục tưởng như không bao giờ chỗi dậy được nữa, nếu không được thả ra. Thánh Kinh đã diễn tả điều này như sau:

“Từ trời xuống là một thiên thần cầm trong tay chìa khóa vực thẳm và một chiếc xích lớn. Ngài bắt con rồng, tức con cựu xà là ma qủi hay Satan, và xiềng hắn lại trong một ngàn năm. Thiên thần đẩy hắn xuống vực thẳm rồi đóng và niêm phong hắn lại. Ngài làm như vậy để con rồng không thể lừa đảo các dân nước cho đến khi một ngàn năm qua đi. Sau đó, con rồng được thả ra trong một thời gian ngắn...” (KH 20:1-3).

“Một ngày trước mặt Chúa như một nghìn năm và một nghìn năm cũng như một ngày” (2Ph 3:8).

Phải chăng ngày giờ Chúa Giêsu chịu tử giá là lúc ma qủi bị thiên thần xiềng lại và nhốt vào hoả ngục như cả ngàn năm, để rồi, sau đó, hắn lại “được thả ra trong một thời gian ngắn”?

Phải chăng thời gian ngắn này là “những ngày sau hết” (2Tim 3:1; 2Ph 3:3; Jude 18), là “thời giờ cuối cùng” (1Gn 2:18)?

Thánh Kinh đã diễn tả cảnh tượng của “một thời gian ngắn” này như sau:

“Một ngàn năm qua đi, Satan sẽ được thả ra khỏi ngục. Hắn sẽ đi cám dỗ tất cả mọi dân nước khắp bốn phương trời, và chiêu tập các đạo quân Gog cũng như Magog đông như cát biển để gây chiến. Chúng sẽ chiếm trọn đất nước và vây hãm thành trì yêu dấu, nơi dân Thiên Chúa đóng trại...” (KH 20:7-9).

Như thế, cả thế giới là “mọi dân nước khắp bốn phương trời” cũng như Giáo Hội là “thành trì yêu dấu, nơi dân Thiên Chúa đóng trại” đều bị Satan tấn công “trong một thời gian ngắn” này.

Phải chăng, đó là lý do, đặc biệt trong giai đoạn trước ngưỡng cửa của năm 2000 này, chính Đức Giáo Hoàng đã phải ra đi để thực hiện việc truyền giáo cho các dân nước và việc làm tông đồ cho các anh em của mình?

Trong thông điệp Redemptoris Missio, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã khẳng định điều này, điều mà Ngài đã nói với các hồng y và toà thánh Rôma ngày 28/6/1980:

“Ta công du khắp thế giới để loan truyền Phúc Âm, để củng cố anh em trong đức tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ dân chúng” (TROM:63).

Bởi vì, chính Đấng kế vị thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian hiện nay đã thấy r tình hình của “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô đã có những nhận định như sau:

“Trong thế giới tân tiến này chỉ có một khuynh hướng kéo ngang con người ra mà thôi. Thế nhưng, không hướng về Tuyệt Đối, con người sẽ ra sao? Câu trả lời sẽ là... máu đổ, nhân danh ý thức hệ hay định chế chính trị là những gì muốn xây dựng một tân nhân loại không có Thiên Chúa” (TROM:8).

“Sự sai lầm này ở tại chủ trương tự do của con người tách khỏi việc tuân hợp với chân lý cũng như trách nhiệm từ đó là phải tôn trọng quyền lợi của kẻ khác... Chính sự sai lầm này đã gây ra những hậu quả trầm trọng là một loạt chiến tranh tàn phá Âu Châu và thế giới giữa năm 1914 và 1945” (CA:17)

“Tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đáng lẽ phải góp phần vào việc an sinh của con người lại biến thành một khí cụ chiến tranh: Khoa học và kỹ thuật được dùng để sản xuất ra những vũ khí hủy diệt tinh vi hơn. Trong khi đó, ý thức hệ, một lạm dụng của triết lý chân thật, được viện dẫn như những lý do chính đáng cho cuộc chiến mới... Cả thế giới đang bị đe dọa bởi chiến tranh nguyên tử có thể tiêu diệt cả loài người” (CA:18)

“Con người ngày nay chưa bao giờ lại có vẻ bị đe dọa bởi cái mà họ làm ra... (là những cái) có thể quay ra chống lại họ một cách toàn diện; họ sợ rằng, nó sẽ trở nên những phương tiện hay dụng cụ để tự hủy hoại ngoài sức tưởng tượng, so với tất cả những tai ương khủng khiếp trong lịch sử hầu như đã bị quên lãng” (TROM:15).

Trong tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II còn đưa ra ba nhận định về thế giới ngày nay.

Nhận định thứ nhất là tình trạng tục hóa của thế giới theo đà tiến triển của khoa học và kỹ thuật, đến nỗi đã gạt Thiên Chúa ra ngoài.

Nhận định thứ hai là tình trạng chà đạp nhân vị con người, ở chỗ quyền lợi của con người bị cướp đoạt và chính con người trở nên công cụ và nô lệ cho bạo quyền dưới nhiều hình thức, trong đó có cả việc phá thai.

Nhận định thứ ba là tình trạng tranh chấp gây thương tổn giữa người và người, giữa các tầng lớp, giữa các quốc gia, bằng vũ lực dưới nhiều hình thức như khủng bố, chiến tranh.

Với hiện trạng này, dù thế giới có được hưởng hòa bình của thời hậu CS đi nữa, thì tình trạng hòa bình này cũng chỉ là một tình trạng hòa bình không có chiến tranh mà thôi, chứ không phải là hoà bình chân thật.

“Hoà bình thật không chỉ ở tại việc chiến thắng về quân sự, nhưng bao hàm cả việc cất đi những nguyên do gây chiến và việc giải hòa thật sự giữa con người với nhau. Vì từ nhiều năm qua, ở Âu Châu cũng như thế giới, chỉ có một tình trạng không có chiến tranh hơn là hòa bình chân thật” (CA:18).

Tuy tình trạng hòa bình hiện nay của thế giới chỉ là một hòa bình tạm bợ, một hòa bình có thể bùng nổ chiến tranh bất cứ lúc nào, vì nguyên do của nó vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn trên thế giới như những nhận định của Đức Thánh Cha vừa kể.

Nhưng, dù sao, đó cũng là "một thời gian hoà bình được ban cho thế giới” sau khi Đức Mẹ đã làm cho nước Nga (là một trong những ngòi chiến tranh tỏ tường nhất) trở lại. Bằng không, thế giới làm sao có thể, với chiến tranh lạnh kéo dài từ sau đại chiến thứ hai, cộng với biết bao băng hoại càng ngày càng trầm trọng hơn bao giờ hết, tự nhiên được hưởng một thời gian thôi chiến tranh bất ngờ và đặc biệt như bây giờ cũng như trong tương lai gần đây.

Trong lúc “thế giới được hưởng một thời gian hòa bình” này, nếu con người không biết lợi dụng để "nhận biết và yêu mến" Mẹ Maria, Đấng đã làm cho nước Nga trở lại, chắc chắn thế giới sẽ không thể nào tránh khỏi đại chiến thứ ba vô cùng khủng khiếp, một trận chiến có thể kết liễu văn minh vô thần của loài người mà chôn vùi xuống mồ của ngày tận thế.

Tuy nhiên, thành phần phải nhận biết và yêu mến Mẹ Maria trước hết phải là chính con cái của Giáo Hội. Thế mà, như Chúa Giêsu tiên báo, vào thời tận thế, sẽ có “Kitô giả và tiên tri giả xuất hiện” (Mt 24:24). “Kitô giả và tiên tri giả” ở đây từ đâu đến và là ai, nếu không phải từ chính con cái Giáo Hội mà đến và là những Kitô hữu mang “tinh thần của Phản Kitô” (1Gn 4:3), tức những kẻ không tin rằng Chúa Kitô đến trong xác thể. Những Kitô hữu mang “tinh thần của Phản Kitô” này, có thể là những "Kitô giả" bằng đời sống của mình, cũng có thể là những "tiên tri giả" bằng những đường lối tuyên truyền của mình.

Dù là Kitô giả bằng đời sống của mình hay tiên tri giả bằng những đường lối tuyên truyền của mình đi nữa, tinh thần phản Kitô cũng làm cho cả hai thành phần này đều không tin Chúa Kitô đến trong xác thể, mà một dấu hiệu tỏ tường nhất tỏ ra họ không tin này là không tin vào quyền bính của Giáo Hội, Nhiệm Thể của Chúa Kitô nói chung và của Giáo Hoàng nói riêng, là quyền bính Thần Linh được Thiên Chúa trao cho loài người.

Biết đâu, chính trong thành phần Kitô giả này, qủi vương sẽ xuất hiện, khi đóng vai một vị giáo hoàng giả chẳng hạn. “Sự hoang tàn ghê tởm đóng trong nơi thánh” (Mt 24:15) là thế. Lúc ấy, nếu “đức tin không biết có còn trên thế gian” (Lc 18:8) nữa không, thì giáo thuyết của Giáo Hội, cơ sở của Giáo Hội cũng như nhân sự phục vụ trong Giáo Hội làm gì còn tồn tại một cách hữu hình hay sống động nữa.

Phải chăng, Giáo Hội cần trải qua một cuộc tử nạn vào thời tận thế, để, như Chúa Kitô sống lại nhờ quyền năng Thần Linh thế nào, Giáo Hội cũng nhờ quyền năng toàn thắng sự chết của Người sẽ muôn đời tồn tại như vậy. “Người (Chúa Kitô) sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa tội lỗi nữa mà là để cứu vớt những kẻ trông đợi Người” (DT 9:28) là thế.

Chính “những kẻ trông đợi Người” này là những “trinh nữ khôn ngoan đã mang dầu (đức cậy) theo với đèn (đức tin)” (Mt 25:4). Họ chính là đạo quân của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trinh Nữ khôn ngoan nhất, Đấng đã đại diện nhân loại đón Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất, và cũng sẽ là Đấng sửa soạn cho con cái mình đón Chúa Kitô đến lần thứ hai.

Đây là Thời Điểm Fatima, thời điểm Mẹ làm cho nước Nga trở lại để mọi người tin.

Đây là Thời Đại Maria, thời đại Chúa muốn Mẹ được nhận biết và yêu mến, thời đại Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Vào thời tận thế này, thời mà “nếu không được rút ngắn lại thì không ai được cứu rỗi” (Mt 24:22), Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã xuất hiện, như tầu Noe cuối thời, để làm nơi nương náu duy nhất và an toàn cho những ai muốn được cứu rỗi, những người “có tên trong sổ hằng sống” (KH 20:15), những người “Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định”(Rm 8:29).

Đó là lý do vào thời điểm Fatima, vào giai đọan cuối thời này“Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ".

Trong thời điểm Fatima, trong giai đọan cuối thời này, Đức Giáo Hoàng chẳng những đóng vai tiền hô đi rao truyền tin mừng khắp thế gian (x.Mt 24:14), mà còn đóng vai chủ động đưa cả nhân loại nói chung và Giáo Hội nói riêng vào tầu Noe khi hiến dâng cả nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria từ ngày 31/10/1942 và cuối cùng vào ngày 25/3/1984, để dọn đường cho Chúa Kitô tái giáng trong vinh quang.

Và, chính thành phần “được đóng ấn trên trán” (KH 7:3) này mới là đối tượng, là mục tiêu tấn công toàn lực của Satan cùng đồng bọn “Phản Kitô” của hắn. Lý do là vì hắn “săn đuổi (mà không làm gì được) Người Nữ sinh con trai” (KH 12:13), nên, “tức giận vì Người Nữ vượt thoát, con rồng đi giao chiến với con cái của Người Nữ” (KH 12:17). Ấn tín được đóng trên trán của thành phần “có tên trong sổ hằng sống” đây là gì, nhờ đó, Satan và đồng bọn của hắn có thể dễ dàng nhận diện đối phương không đội trời chung để mà tấn công và ăn tươi nuốt sống? Phải chăng ấn tín đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Không phải hay sao, các thánh đã không sợ sai lầm khi công khai xác tín rằng: “Hoàn toàn thành tâm tôn sùng Mẹ là dấu hiệu chắc chắn được cứu rỗi” (TDTM,40).

Nếu tầu Noe được hoàn thành trong vòng một trăm năm, từ khi Noe có 3 người con lúc ông được 500 tuổi (STK 5:32) cho đến khi đại hồng thủy xẩy ra vào năm ông được 600 tuổi (STK 7:6) thế nào, thì chiếc tầu Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ cũng cần được hoàn thành trong khoảng thời gian 100 năm. Thật thế, năm 1830, Mẹ đã hiện ra với chị Catarina Labuarê và bảo chị hãy làm một mẫu ảnh bằng kim loại hình trái xoan với viền chữ: “Ôi Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ”. Năm 1929, tức 99 năm sau, Mẹ đã hiện ra với chị Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima còn sống sót, và nói với chị:

“Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu nước Nga bằng phương tiện này. Có rất nhiều linh hồn bị luận phạt vì sự công chính của Thiên Chúa bởi những tội họ đã xúc phạm đến Mẹ, nên Mẹ đến để xin đền tạ: hãy hy sinh bản thân cho ý nguyện này và hãy cầu nguyện” (FILOW:200).

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gn 4:8,16), là Chúa Bình An, Ngài không bao giờ lại có ý dựng nên tạo vật rồi gây chia rẽ và thù oán giữa những tạo vật với nhau, cho chúng đánh nhau chơi để có dịp thưởng thức.

Tuyên án rắn qủi trong vườn địa đàng sau khi hai nguyên tổ sa ngã: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng di ngươi và giòng di người nữ. Người sẽ đạp nát đầu ngươi trong khi ngươi rình cắn gót chân Người” (STK 3:15), Thiên Chúa chỉ có ý hạ bệ Satan kiêu căng ngang tàng muốn chống đối Ngài xuống, bằng cách nâng một Người Nữ là tạo vật hèn kém hơn hắn lên làm Mẹ Thiên Chúa, làm cho hắn phải hổ ngươi bẽ mặt, do đó, cũng làm cho hắn tức giận và thù ghét. Ý nghĩa của việc Thiên Chúa “đặt mối thù” giữa tạo vật của Ngài là như thế. Chính Mẹ Maria đã nhận biết và chúc tụng Đấng “đã thương đến phận thấp hèn tôi tá Ngài” (Lc 1:48) là Mẹ như sau: “Chúa đã ra tay uy quyền, đánh tan kẻ kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của hắn” (Lc 1:51).

Thiên Chúa chẳng những là Đấng đã “đặt mối thù” giữa Satan và Mẹ Maria, giữa giòng di “Phản Kitô” của hắn và Đạo Binh của Mẹ, Ngài còn là Đấng làm cho hắn bị chính tạo vật hèn mọn nhất của Ngài là Tỳ Nữ Xin Vâng (xem Lk 1:38) Maria đạp cho tan nát cái đầu kiêu căng tự cao bất phục tùng của hắn nữa, khi hắn rình cắn gót chân của Người là những người con bé mọn thấp hèn chỉ biết chạy đến nương nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Chính những người con biết mình bé mọn và thấp hèn như Mẹ đã gắn liền với Mẹ như gót chân của Mẹ này sẽ là thành phần trực tiếp chạm đến chiếc đầu ngang tàng kiêu ngạo của Satan và sẽ nhờ quyền năng vô địch của Mẹ trong việc đạp nát chiếc đầu này cho vĩnh viễn tan tành nó ra, làm cho Satan càng nhục nhã và vô cùng thảm bại hơn nữa. Vì, trong khi hắn tinh khôn hơn đám con cái sự sáng của Mẹ, lại được phép tung hoành trên thế gian, với quân quốc hết sức hùng hậu cả từ hỏa ngục lên là bọn ngụy thần của hắn, lẫn đám Phản Kitô sẵn có trên thế gian hết lòng cộng tác, thế mà vẫn không thể nào đạt được ý định trả thù cho đã lòng ghen tức của hắn, bằng cách tiêu diệt cho bằng được mục tiêu mà hắn muốn nhắm đến và triệt hạ. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ toàn thắng là ở chỗ đó, ở chỗ đã lấy tình thương và phúc đức của mình để bảo toàn cho con cái khỏi bị Satan tiêu diệt. Mẹ Maria đã chúc tụng Thiên Chúa là Đấng “làm cho (Mẹ) những điều trọng đại” (Luca 1:49) như sau: “Chúa đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi bệ cao và đã nâng người hèn mọn lên” (Lc 1:52).